Trekking Vườn Quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích 31.422 ha, nằm trên địa bàn 6 xã: Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh và một phần xã Dương Tơ. Vườn có ba hệ sinh thái rừng là rừng lá rộng thường xanh, rừng tràm và rừng ngập mặn ven biển. Tại đây hiện có khoảng 1.400 loài thực vật và gần 500 loài động vật, theo cổng Thông tin điện tử Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Nguyễn Anh Tiến, hướng dẫn viên du lịch ở Phú Quốc, cho biết trekking xuyên rừng trong VQG Phú Quốc là trải nghiệm mới xuất hiện trong khoảng hai năm trở lại đây, chưa được nhiều du khách biết tới. Mỗi tháng, anh nhận khoảng 5-7 tour, mỗi tour dao động 2-12 khách.
Lê Minh Tấn (29 tuổi, TP HCM) ngày 23/5 thực hiện cung trekk khoảng 9 km, đường đi và đường về khác nhau với ba điểm nghỉ chân. “Cung trekk tương đối dễ đi, không quá dốc, phù hợp với những người mới”, anh Tấn cho biết sau khi mất khoảng ba tiếng di chuyển lúc đi và khoảng một tiếng rưỡi lúc về.
Vì không tốn quá nhiều thể lực, anh có thời gian tập trung quan sát, trải nghiệm hái và ăn các loại trái cây rừng như sim, trái và lá bứa (họ măng cụt), gùi, nấm. Tùy theo mùa sẽ có những loại trái cây và lá rừng khác nhau.
Ngoài rong rêu, cây thân mềm, cây ăn quả, cổ thụ hay những loại cây có thể hái ăn được, hướng dẫn viên cũng giới thiệu về những loài thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ, hay những loài thực vật lạ lần đầu nghe tên. Một số loài thực vật là dược liệu, thảo dược quý đều có thể tìm thấy trên đường trekk như nấm linh chi, nấm vân chi, cây tổ kiến (bí kỳ nam).
Trekking Vườn Quốc gia Phú Quốc nếu may mắn, du khách cũng có thể bắt gặp các loại động vật hoang dã như khỉ, chồn, cần tôm, cần cuốc (họ kỳ đà). Một số loài côn trùng, bò sát dễ bắt gặp hơn như rắn, rết, thằn lằn.
Anh Tiến cho biết một trong những tình huống dễ khiến nhiều người hoảng sợ khi trekking trong rừng là gặp rắn. Trong trường hợp này, du khách cần bình tĩnh, không tự ý xua đuổi, tránh khiến rắn bị thương hoặc tấn công. Các hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm sẽ chủ động xử lý tình huống.
Điểm cuối của cung trekk là thác Thầy Tu cao khoảng 5 m. Xung quanh thác là những tảng đá vòm giúp che chắn mưa, nắng, đồng thời có thể tận dụng làm nơi nấu nướng, nghỉ trưa. Gần thác có một hố sụt để du khách chụp ảnh check in.
Nước từ thác chảy xuống một hồ nước tương đối rộng ngay phía dưới, nước trong và mát. Du khách có thể xuống bơi, bắt cá hoặc chụp ảnh. Tại đây cũng có nhiều tảng đá lớn bằng phẳng để cắm trại, ngắm trăng, sao vào ban đêm.
“Lúc trekking, trời mưa, tôi nghĩ là mình xui rồi. Nhưng khi đến thác, nước dâng cao, khiến con thác thêm phần ấn tượng”, anh Tấn nói.
Theo anh Tiến, mùa đẹp nhất để trekking cung này là mùa khô, từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau khi trời ít mưa, nhưng thác, suối vẫn nhiều nước và cây cối tươi tốt. Hiện là mùa mưa ở Phú Quốc, nhưng vì địa hình không quá phức tạp, du khách vẫn có thể trải nghiệm trekking, chỉ hạn chế đi vào thời điểm có bão, mưa lớn.
Anh Tiến gợi ý du khách nên mang theo các loại thuốc bôi, xịt chống côn trùng, quần áo dài tay, mũ, kính mắt và kem chống nắng, đồ bơi, giày thể thao và túi chống nước cho điện thoại.
Đồ ăn đều được các hướng dẫn viên chuẩn bị trước. Trên đường trekk, du khách có thể hái một số loại nấm, rau rừng để ăn kèm thịt nướng tại chỗ nghỉ. VQG có các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng lửa và săn bắt, hái lượm, du khách cần tuân thủ theo hướng dẫn của hướng dẫn viên.
Du khách cũng được lưu ý không xả rác bừa bãi, không tuỳ ý chạm vào động, thực vật trong rừng, không chặt phá hay mang bất cứ gì ra khỏi rừng. Các hướng dẫn viên đoàn của anh Tấn đều mang theo túi và nhặt tất cả rác thải trên cung trekk.
“Nhìn những hình ảnh cây cối xanh tươi này, không thể nghĩ đây là rừng ở Phú Quốc”, anh Tấn nói vì từng mặc định rằng rừng Phú Quốc “nghèo nàn”. Nếu đã quen với màu xanh của biển Phú Quốc, anh Tấn gợi ý du khách nên đến chiêm ngưỡng màu xanh của rừng để có những trải nghiệm thú vị.
Nguồn sưu tầm