Cắt giảm nhân sự, lương thưởng nhân sự ngành bất động sản

110

Cắt giảm lượng lớn nhân sự, lương thưởng ngành bất động sản tạo ra làng sóng lo lắng trong thời điểm thị trường việc làm nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang suy tính chuyện gì cho tương lai khó khăn sắp tới.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy giữa tháng 12, làn sóng giảm, nợ lương, sa thải tại các doanh nghiệp địa ốc diễn ra mạnh dần và có xu hướng trầm trọng thêm khi áp lực mùa Tết đến gần.

Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang bán dự án căn hộ tại TP Thủ Đức chia sẻ, đến tháng 12, công ty ông đã giảm 50% nhân sự và cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu do thị trường ế ẩm. Hiện guồng làm việc tại công ty duy trì 25% so với cùng kỳ năm ngoái, rất nhiều vị trí một người làm thay công việc của 3 người trước đây.

“Chế độ thưởng cơ bản là tháng 13 cũng được thông báo dừng trong mùa Tết này đối với nhân sự còn gắn bó vì công ty không thể xoay sở được dòng tiền cuối năm”, anh nói.

Đầu tháng 12, một tập đoàn xây dựng và đầu tư địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cũng công bố kế hoạch giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% đối với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội, khen thưởng. Nguyên nhân là công ty không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản, các dự án của công ty thành viên cũng không bán được, dẫn đến không có doanh thu.

Tập đoàn này thậm chí còn phân loại nhân sự thành 3 nhóm, chỉ giữ lại nhóm một gồm nhân sự trọng yếu. Nhóm hai gồm nhân sự có năng lực nhưng chưa thể bố trí được công việc thì thỏa thuận ngừng từ đầu tháng 12 đến cuối quý I/2023. Ngoài ra, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân sự không thuộc nhóm một và hai.

Gần đây, Chủ tịch HĐQT một tập đoàn bất động sản có thị phần thuộc top 3 TP HCM và các tỉnh phía Nam đã viết tâm thư gửi khách hàng thông tin về những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời xin lỗi nhà đầu tư vì diễn biến này khiến họ bất an.

Trong tâm thư ông cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động như chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh đến chính sách thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và thị trường. Công ty vì vậy cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến cắt giảm nhân sự lớn trong thời gian qua.

Anh Bình, nhân viên kinh doanh từng làm việc tại một công ty bất động sản đang phát triển nhiều dự án đại đô thị ở các tỉnh giáp ranh thành phố cho biết đang phải sống bằng trợ cấp thất nghiệp do nằm trong nhóm hơn 60% nhân sự bị tập đoàn sa thải. Theo anh, cao điểm tháng 11, các đợt sa thải nhân sự nhiều đến mức các đồng nghiệp từ bỏ ý định xin việc mới trong ngành này vì cơ hội việc làm ít.

Trường hợp anh Minh, nhân viên một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại phường Tân Định, quận 1 đã bị công ty nợ lương 6 tháng nay. Các đồng nghiệp của anh cũng đã nghỉ việc hơn một nửa vì không bán được hàng đồng nghĩa không có phí môi giới, lại bị nợ lương nên không đủ chi phí trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, chị Hương, nhân viên marketing của một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 3 chia sẻ từ cuối tháng 11, chị bắt đầu được phổ biến thông tin công ty sẽ giảm lương 40% để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó cho đến khi có thông báo mới. “Đây là mức giảm khá nhiều, vì vậy những nhân sự nặng gánh gia đình, không gồng được cùng công ty bắt đầu có động thái nghỉ việc để tìm hướng đi mới”, chị Hương kể.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhìn nhận thị trường bất động sản đang rất khó khăn, không ít tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành đang gặp rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản và phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại.

[tinmoi]

Theo ông, một số doanh nghiệp địa ốc đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, phát hành cổ phiếu tăng vốn và IPO. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, giảm lương, theo ông sẽ tác động đến vấn đề an sinh xã hội cũng như cuộc sống người lao động.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cho rằng quy luật đào thải khắc nghiệt dẫn đến nợ, cắt giảm lương, sa thải nhân sự, thu hẹp quy mô, hoạt động co cụm là phản ứng cần thiết để doanh nghiệp tồn tại.

Ông Nghĩa phân tích, doanh nghiệp nào mô hình linh hoạt, có thể tái cấu trúc và thay đổi để vượt khó sẽ còn cơ hội chống chọi được các cú sốc trong năm 2023. Trong khi đó, những đơn vị không đủ khả năng thay đổi mô hình cũ, có thể không vượt qua được 1-2 quý nữa.

Theo chuyên gia này, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản liên quan đến 2 nhóm yếu tố. Thứ nhất là khó khăn từ bên ngoài như vướng pháp lý, thủ tục chậm trễ, chính sách không thuận lợi, tác động của bất ổn, suy thoái kinh tế toàn cầu… Đây là những khó khăn doanh nhiệp không thể thay đổi được, buộc phải chờ đợi sự thay đổi mang tính vĩ mô.

Nhóm thứ hai liên quan đến những yếu tố bên trong nội tại doanh nghiệp như sức khỏe tài chính kém, sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính một cách quá đà, thâm dụng vốn, sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, phát hành trái phiếu nhưng thiếu kiểm soát… Đây là nhóm khó khăn doanh nghiệp có thể nỗ lực xoay chuyển được, song không phải đơn vị nào cũng đủ nội lực để làm.

Ông Nghĩa đánh giá, mô hình thu hút, huy động vốn của doanh nghiệp hiện nay khá nhạy cảm với sự thay đổi các chính sách vĩ mô, dẫn đến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngay lập tức bị tác động và trở nên kém dần khi chính sách thay đổi. Với thế mạnh chỉ thể hiện qua quỹ đất và mối quan hệ, không chủ động được nguồn vốn, các khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp ngành này liên quan đến việc bị chôn vốn, mất thanh khoản, ảnh hưởng đến chi phí giá thành sản phẩm.

Ông cũng đánh giá các doanh nghiệp bất động sản đã sống bằng việc bán sự kỳ vọng trong một thời gian dài. Khi thị trường địa ốc khó khăn và chững lại, bộ máy doanh nghiệp sẽ bị lung lay do không đủ nguồn lực để vận hành, dẫn đến cục diện cắt giảm nhân sự, nợ lương, giảm lương thời gian qua.

Chuyên gia GIBC dự báo, năm 2023 khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản gặp phải sẽ nhiều hơn năm nay. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc tài chính, tinh giảm bộ máy, thậm chí phải hy sinh bán bớt tài sản với giá dưới mức kỳ vọng hoặc chấp nhận lỗ để vượt khó và tồn tại trong 12 tháng tới.

Vũ Lê

 

Bất động sản

210 Bùi Văn Ba, Tân Thuận Đông, Q7, HCM
Phone: 0932663205
Email: duyoanhland@gmail.com
DMCA.com Protection Status
Nghiêm cấm sao chép nội dung dưới mọi hình thức.
Nhận thông tin từ chúng tôi
Nhận thông tin từ chúng tôi

0932663205